THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ DỰ BÁO 6 THÁNG CUỐI NĂM 2014
BÁO CÁO
Phân tích cung, cầu lao động 06 tháng đầu năm 2014
và dự báo 06 tháng cuối năm 2014
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ (Trung tâm) đã thu thập, khảo sát thông tin cung, cầu lao động từ các nguồn như Cổng thông tin việc làm Cần Thơ tại địa chỉ www.vieclamcantho.vn, thông tin đăng tuyển trên báo, đài tại thành phố Cần Thơ của các doanh nghiệp với tổng số 26.593 nhu cầu tuyển dụng lao động và 14.654 người tìm việc ở thành phố Cần Thơ.
Từ các thông tin đã nêu, cho thấy tình hình cung, cầu lao động ở thành phố Cần Thơ như sau:
I. PHÂN TÍCH CUNG, CẦU LAO ĐỘNG 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2014:
1. Tình hình chung:
Tiếp tục những thành tựu đạt được trong năm 2013, trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi và đạt được một số kết quả nhất định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng 8,96%, chỉ số giá tiêu dùng chung của thành phố tăng 0,49%, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 6,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2014, thành phố Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa và điều hành ngân sách đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá so với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng ổn định, từng bước phát triển sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp cả về kinh tế và chính trị. Tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với những khó khăn, áp lực. Sức mua trên thị trường thấp; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; sức ép nợ xấu còn nặng nề; hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm. Trong đó, đáng chú ý là quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra thiếu đồng bộ và chưa thực sự có những bước đi hiệu quả. Ngoài ra, thời gian gần đây tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, bước đầu ảnh hưởng đến động thái phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân cư cả nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
2. Tình hình cung-cầu nhân lực:
2.1. Về nhu cầu nhân lực:
Trong 6 tháng đầu năm 2014, thị trường lao động phát triển ổn định. So sánh nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong 6 tháng cho thấy tỷ lệ tăng không cao, thể hiện mục tiêu của các doanh nghiệp chú trọng ổn định nhân sự, ổn định sản xuất kinh doanh, không để xảy ra đột biến thiếu hụt hoặc dư thừa nhiều về lực lượng lao động.
Đơn vị tính: người
Biểu đồ 1: Sự biến động nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong 6 tháng đầu năm 2014
Nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong 6 tháng đầu năm 2014 so với 6 tháng đầu năm 2013 giảm 12,55% và tăng 0,34% so với 6 tháng cuối năm 2013, trong đó chủ yếu giảm nhu cầu về lao động chưa qua đào tạo và tiếp tục tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề và kinh nghiệm làm việc.
Đơn vị tính: người
Biểu đồ 2: So sánh nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong 6 tháng đầu năm 2014
Những nhóm ngành nghề có chỉ số cầu nhân lực tăng cao trong quý như kinh doanh và quản lý (29,48%), bán hàng (12,84%), lái xe (7,08%), dịch vụ khách hàng (6,39%), khoa học và kỹ thuật (6,21%)…
Nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2014 là nhóm ngành kinh doanh và quản lý, chiếm 29,48% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng, tăng 8,47% so với nhu cầu tuyển dụng của 6 tháng cuối năm 2013. Các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng các vị trí việc làm như nhân viên kinh doanh, phát triển thị trường, nhân viên marketing, tài chính - ngân hàng, kế toán, tiếp thị sản phẩm… Nguyên nhân là do trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục phát triển và ổn định, sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nên thúc đẩy tăng nhân lực trong nhóm ngành này.
Trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu tuyển dụng ngành bán hàng tăng cao, đạt 12,84% tổng số cầu nhân lực. Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Cần Thơ, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến thời điểm 30/05/2014 là 92,06% so với tháng trước và 56,49% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ số hàng tồn kho giảm do nhiều doanh nghiệp vừa ổn định sản xuất, vừa tăng cường kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nên nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành bán hàng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.
Ngành dịch vụ khách hàng có nhu cầu tuyển dụng cao trong 6 tháng đầu năm, tăng mạnh nhất vào tháng 6 năm 2014. Nguyên nhân là hiện nay đang trong dịp nghĩ hè của học sinh, sinh viên nên nhu cầu vui chơi, giải trí tăng lên.
Đơn vị tính:%
Biểu đồ 3: So sánh 6 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong 6 tháng đầu năm 2014
Tình hình biến động lao động tại các doanh nghiệp giảm 0,08% so với cùng kỳ. Số lao động tại các doanh nghiệp vẫn ổn định, mức độ tăng giảm không đáng kể.
Thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2014 chuyển biến tích cực dẫn đến biến động cầu nhân lực theo trình độ. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng không nhiều so với 6 tháng cuối năm 2013, nhu cầu lao động tập trung vào lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao, không chú trọng tuyển dụng lao động có trình độ phổ thông.
Đơn vị tính:%
Biểu đồ 4: Chỉ số nhu cầu tuyển dụng nhân lực theo trình độ nghề 6 tháng đầu năm 2014
Nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ nghề trong 6 tháng đầu năm được thể hiện cụ thể như sau:
+ Nhu cầu nhân lực có trình độ Trên đại học chiếm tỷ lệ 0.21% trong tổng số nhu cầu, tăng 10,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2013 và 7 lần so với 6 tháng cuối năm 2013. Qua đó cho thấy các doanh nghiệp ngày càng chú trọng tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn chất lượng cao.
+ Nhu cầu nhân lực có trình độ Cao đẳng – Đại học giảm 1,91 lần so với tháng cuối năm 2013, chiếm tỷ lệ 17,72% trong tổng số nhu cầu, có hơn 60% nhu cầu tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm từ 1-3 năm. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành nghề như kinh doanh và quản lý, khoa học và kỹ thuật, giáo dục, dịch vụ khách hàng….
+ Trình độ Trung cấp ở 6 tháng đầu năm 2014 chiếm tỷ lệ 23,66 % trong tổng số nhu cầu, tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh và quản lý, sức khỏe, văn phòng, bán hàng, …
+ Trình độ Sơ cấp tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và 6 tháng cuối năm 2013, chiếm 7,58% trong tổng số nhu cầu, tập trung chủ yếu ở nhóm ngành lái xe và thợ vận hành các thiết bị chuyển động.
+ Chỉ số nhu cầu tuyển dụng Lao động phổ thông chiếm 50,83%, thị trường lao động thành phố Cần Thơ vẫn chú trọng thu hút nhân lực có chất lượng cao, tuy nhiên để giảm tối thiểu chi phí nhiều doanh nghiệp giảm tuyển dụng nhân sự chính thức và tăng tuyển dụng cộng tác viên. Nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất ở ngành tài chính-ngân hàng, bán hàng, marketing online…
Bảng 1: Bảng phân tích so sánh chỉ số cầu nhân lực theo trình độ trên địa bàn thành phố Cần Thơ 06 tháng đầu năm 2014
Đơn vị tính: %
Stt |
Trình độ |
Chỉ số 6 tháng đầu năm 2013 |
Chỉ số 6 tháng cuối năm 2013 |
Chỉ số 6 tháng đầu năm 2014 |
1 |
Lao động phổ thông |
52,43 |
42,69 |
50,83 |
2 |
Sơ cấp nghề |
2,69 |
2,99 |
7,58 |
3 |
Trung cấp (CN-TCN) |
26,08 |
20,86 |
23,66 |
4 |
Cao đẳng (CN-CĐN) |
5,80 |
11,18 |
7,27 |
5 |
Đại học |
12,97 |
22,26 |
10,45 |
6 |
Trên đại học |
0,02 |
0,03 |
0,21 |
Tổng số ( 100% = Số người ) |
30.408 |
26.504 |
26.593 |
Bảng 2: Bảng thống kê phân tích chỉ số cầu nhân lực theo ngành nghề trên địa bàn thành phố Cần Thơ 06 tháng đầu năm 2014
Đơn vị tính: %
Stt |
Ngành nghề |
Chỉ số 6 tháng đầu năm 2013 |
Chỉ số 6 tháng cuối năm 2013 |
Chỉ số 6 tháng đầu năm 2014 |
1 |
Nhà lãnh đạo trong các ngành, các cấp. |
0,00 |
0,00 |
0,02 |
2 |
LĐ các tập đoàn, Tổng Cty & tương đương |
0,93 |
0,22 |
0,39 |
3 |
Nhà chuyên môn trong lĩnh vực KH & KT |
7,77 |
11,22 |
6,21 |
4 |
Nhà chuyên môn về sức khỏe |
2,94 |
3,38 |
1,61 |
5 |
Nhà chuyên môn về giáo dục |
2,79 |
5,78 |
1,14 |
6 |
Nhà chuyên môn về kinh doanh và quản lý |
23,24 |
21,01 |
29,48 |
7 |
Nhà chuyên môn trong lĩnh vực CNTT và truyền thông |
2,54 |
6,52 |
2,92 |
8 |
Nhà chuyên môn về luật pháp, văn hóa, xã hội |
1,16 |
1,78 |
1,11 |
9 |
Nhân viên tổng hợp và nhân viên làm các công việc bàn giấy |
1,90 |
0,33 |
1,73 |
10 |
Nhân viên dịch vụ khách hàng |
8,34 |
3,08 |
6,39 |
11 |
Nhân viên hỗ trợ văn phòng khác |
0,89 |
1,76 |
0,76 |
12 |
Nhân viên dịch vụ cá nhân |
5,41 |
1,86 |
2,67 |
13 |
Nhân viên bán hàng |
14,63 |
9,24 |
12,84 |
14 |
Nhân viên chăm sóc cá nhân |
0,25 |
0,29 |
0,58 |
15 |
Nhân viên dịch vụ bảo vệ |
5,90 |
3,13 |
4,57 |
16 |
LĐ có kỹ năng trong NN, LN và thủy sản |
1,64 |
0,04 |
2,55 |
17 |
Lao động xây dựng và lao động có liên quan đến nghề xây dựng |
1,78 |
2,72 |
0,09 |
18 |
Thợ kim loại, thợ máy và thợ có liên quan |
0,73 |
0,84 |
1,15 |
19 |
Thợ thủ công và thợ liên quan đến in |
0,01 |
0,00 |
0,11 |
20 |
Thợ điện và thợ điện tử |
3,34 |
3,78 |
0,36 |
21 |
Thợ chế biến thực phẩm, công việc đồ gỗ, may mặc và nghề thủ công khác và thợ khác có liên quan |
1,25 |
3,54 |
0,21 |
22 |
Thợ vận hành máy móc và thiết bị cố định |
0,25 |
0,51 |
0,20 |
23 |
Lái xe và thợ vận hành thiết bị chuyển động |
0,77 |
0,98 |
7,08 |
24 |
Lao động giản đơn |
11,53 |
17,98 |
15,82 |
25 |
Lực lượng quân đội |
0,00 |
0,00 |
0,00 |
Tổng số ( 100% = Số người ) |
30.408 |
26.504 |
26.593 |
2.2. Về cung nhân lực:
Nhu cầu tìm việc trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng 26,55% so với 6 tháng đầu năm 2013. Số lao động có nhu cầu tìm việc tập trung vào các nhóm ngành nghề như kinh doanh và quản lý (34,53%), tổng hợp, văn phòng (14,55%), khoa học và kỹ thuật (14,33%), bán hàng (8,04%), công nghệ thông tin và truyền thông (7,98%), luật pháp, văn hóa, xã hội (4,46%)…
Đơn vị tính:%
Biểu đồ 5: Chỉ số 6 nhóm ngành có nguồn cung cao trong 6 tháng đầu năm 2014
Nhóm ngành có nhu cầu tìm việc cao nhất là kinh doanh và quản lý, chiếm 34,53% trong tổng số nhu cầu, trong đó ngành có nhu cầu tìm việc cao nhất trong nhóm ngành này là tài chính – ngân hàng và kế toán. Những năm về trước, tài chính - ngân hàng được coi là ngành hút nhân lực với thu nhập cao, nhiều phúc lợi; còn hiện nay, đây là một trong ngành dư thừa lao động. Số sinh viên tốt nghiệp ra trường ngành này ngày càng tăng nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp vẫn tiếp tục cắt giảm nhân sự mảng ngành này. Dự báo tình trạng thất nghiệp nhóm ngành này vẫn tiếp tục kéo dài và tăng cao trong 6 tháng cuối năm 2014.
Tình hình cung cầu lao động trên thị trường rất mất cân đối, doanh nghiệp cần nhiều đội ngũ nhân sự chất lượng cao nhưng sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều do không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thất nghiệp trong nhóm lao động có bằng đại học trở lên là 162.400 người. Như vậy, trong quí I, lượng lao động có trình độ đại học thất nghiệp đã tăng thêm hơn 90.000 người, so với con số 72.000 người đến cuối quí IV năm ngoái.
Đơn vị tính:%
Biểu đồ 6: Phân tích chỉ số nhu cầu tìm việc theo trình độ 6 tháng đầu năm 2014
2.3. Đánh giá cung-cầu lao động:
Tình hình thị trường lao động đang tồn tại nhiều nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu lao động trong từng nhóm ngành nghề, các doanh nghiệp rất cần nhiều đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Nhưng ngược lại, nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đảm bảo được yêu cầu tuyển dụng, đặc biệt là kĩ năng. Đồng thời một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp bậc đào tạo và nhu cầu tuyển dụng.
Tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động thể hiện rõ ở ngành nghề như: khoa học và kỹ thuật, công nghệ thông tin và truyền thông, kinh doanh và quản lý, lái xe, tổng hợp, văn phòng…
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân đối này là do việc đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng về số lượng và chất lượng lao động của từng nhóm ngành nghề. Hơn 60% sinh viên tốt nghiệp chưa trang bị tốt về kĩ năng nghề và trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra, sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc.
Sự mất cân đối cung-cầu lao động còn thể hiện rõ nét qua trình độ. Ta thấy rõ cung và cầu nhân lực ít gặp được nhau. Cụ thể như: đối với trình độ đại học thì cung lao động là 63,1% khi đó cầu lao động ở trình độ này chỉ có 10,45%. Ngược lại ở trình độ trung cấp thì cung lao động chỉ có 11,18% còn cầu lao động ở trình độ này lên đến 23,66%. Thể hiện sự chênh lệch rõ nhất là trình độ lao động phổ thông, nhu cầu tuyển dụng trình độ này là 50,83%, trong khi đó nguồn cung lao động chỉ đáp ứng được 5,2%.
Biểu đồ 7: So sánh cung - cầu nhân lực theo trình độ 6 tháng đầu năm 2014
II. DỰ BÁO CUNG, CẦU NHÂN LỰC 06 THÁNG CUỐI NĂM 2014
1. Dự báo về xu hướng cầu nhân lực cuối năm 2014, thị trường lao động sẽ phát triển theo xu hướng hạn chế về số lượng, tăng yêu cầu chất lượng trình độ. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh so năm 2013, tuyển nhiều nhân viên có trình độ, kỹ năng để phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các dây chuyền công nghệ. Yêu cầu về bằng cấp không còn là yếu tố quyết định nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, yếu tố quyết định là người lao động phải đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề.
2. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2014 sẽ tăng mạnh và khoảng 32.000 lao động, trong đó đa số là tuyển dụng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật. Cụ thể, trình độ đại học-trên đại học chiếm khoảng 13,7%, cao đẳng, trung cấp khoảng 35,6%, sơ cấp nghề và lao động phổ thông khoảng 50,7%. Nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như: kinh doanh và quản lý, khoa học và kỹ thuật, bán hàng, dịch vụ khách hàng, … Dự báo thị trường lao động những ngành này sẽ phát triển sôi nổi vào những tháng cuối năm 2014, đặc biệt là thời điểm quý IV của năm 2014. 3. Nhu cầu tìm việc tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2014 từ sinh viên, học sinh tốt nghiệp, người lao động mất việc làm chưa tìm được việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý, văn phòng, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ…
4. Tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu vẫn còn tiếp tục xãy ra. Xu hướng dịch chuyển lao động cuối năm 2014 sẽ không cao, người lao động đa phần muốn ổn định làm việc. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhân sự để hoàn thiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và chăm lo tốt tiền lương, chế độ đãi ngộ cho người lao động năm 2014, đồng thời chuẩn bị phát triển sản xuất kinh doanh năm 2015.
5. Để hạn chế tình trạng mấy cân đối, nghịch lý trong cung-cầu lao động, góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển đúng hướng. Các doanh nghiệp cần ổn định bộ máy nhân sự, tăng cường sản xuất kinh doanh, tạo môi trường làm việc thuận lợi và chế độ đãi ngộ cao để thu hút nhân lực và giữ chân những nhân lực có chất lượng, góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp tăng cao.
Về phía nhà trường, cần phải gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp trong hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho sinh viên. Thường xuyên cập nhật tình hình phát triển thị trường lao động, để đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế cũng là cách tránh lãng phí trong đào tạo, lãng phí nguồn nhân lực. Sinh viên cần định hướng nghề nghiệp tương lai cho bản thân mình. Ngoài bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, cần tự trau dồi các kỹ năng mềm và ngoại ngữ, những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, bản lĩnh, tự tin tham gia vào thị trường lao động./.
DỰ BÁO VIÊN |
GIÁM ĐỐC |