THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I VÀ DỰ BÁO QUÝ II NĂM 2014
BÁO CÁO
Phân tích cung, cầu lao động quý I năm 2014 và dự báo quý II năm 2014
Trong quý I năm 2014, Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ (Trung tâm) đã thu thập, khảo sát thông tin cung, cầu lao động từ các nguồn như Cổng thông tin việc làm Cần Thơ tại địa chỉ www.vieclamcantho.vn, thông tin đăng tuyển trên báo, đài tại thành phố Cần Thơ của các doanh nghiệp với tổng số 14.463 nhu cầu tuyển dụng lao động và 3.606 người tìm việc ở thành phố Cần Thơ.
Từ các thông tin đã nêu, cho thấy tình hình cung, cầu lao động quý I năm 2014 ở thành phố Cần Thơ như sau:
I. PHÂN TÍCH CUNG, CẦU LAO ĐỘNG QUÝ I NĂM 2014:
1. Tình hình chung:
Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Cần Thơ về tình hình kinh tế-xã hội của thành phố Cần Thơ vào những tháng đầu năm 2014 có những chuyển biến tích cực. Các chính sách vĩ mô của nhà nước và các giải pháp điều hành kinh tế-xã hội của địa phương đi vào thực tế đời sống, các điều kiện về tài chính đã và đang được cải thiện; những rủi ro ngắn hạn đang có dấu hiệu giảm bớt; cùng với việc nới lỏng tiền tệ và tài chính như hạ lãi suất cho vay, mở rộng các đối tượng cho vay, thúc đẩy giải ngân các công trình, dự án trong kế hoạch, thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường cho cơ sở và thu hút đầu tư nhằm tăng tổng cầu và kích thích tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đạt 8,2%; chỉ số gia tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2014 giảm 0,75% so với tháng trước, tăng 5,6% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý I tăng 5,01% so với cùng kỳ. Tình hình biến động lao động tại các doanh nghiệp sau thời gian nghỉ Tết đã trở lại làm việc bình thường nhưng số lượng tăng không nhiều, trong quý I tăng 0,49% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên nền kinh tế nói chung và của thành phố Cần Thơ nói riêng chưa hoàn toàn phục hồi, tăng trưởng chậm so với kỳ vọng và chưa vững chắc, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thị trường cầu nội địa yếu nên ảnh hưởng nhiều đến thị trường lao động của thành phố. Trước tình hình đó, thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo tốt cung-cầu, bình ổn thị trường, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy thị trường lao động thành phố phát triển.
2. Tình hình cung-cầu nhân lực:
2.1. Về nhu cầu nhân lực:
Năm 2014, sự ổn định của kinh tế vĩ mô là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp yên tâm xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất. Với tiêu chí phát triển nguồn lực chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, trong quý I năm 2014 các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng nhân lực có trình độ và tay nghề làm việc. Cụ thể nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong quý I năm 2014 tăng mạnh so với hai quý trước của năm 2013, tăng 29,08% so với quý IV năm 2013 và tăng 25,72% so với quý III năm 2013.
Đơn vị tính: người
Biểu đồ 1: So sánh sự biến động về nhu cầu tuyển dụng nhân lực của quý I/2014
Những nhóm ngành nghề có chỉ số cầu nhân lực tăng cao trong quý như kinh doanh và quản lý (31,22%), bán hàng (13,71%), lái xe (9,31%), dịch vụ khách hàng (8,42%), khoa học và kỹ thuật (6,74%), lao động giản đơn (5,95%)…
Nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao nhất trong quý I năm 2014 là nhóm ngành kinh doanh và quản lý, chiếm 31,22% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng, tăng 4,1% so với nhu cầu tuyển dụng của quý IV/2013. Các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng các vị trí việc việc làm như nhân viên kinh doanh, nhân viên phát triển thị trường, kế toán, tiếp thị, trợ lý kinh doanh, đại diện thương mại.… Nguyên nhân là do trong những tháng đầu năm 2014, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển theo chiều hướng ổn định và khả quan, phát triển sản xuất công nghiệp những ngành hàng chủ lực thu hút lao động và vốn đầu tư nước ngoài nên chủ động đầu tư nguyên liệu, trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm phát triển mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sau thời gian “khủng hoảng” đã tự tin phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Do đó đã thúc đẩy tăng nhân lực trong nhóm ngành kinh doanh và quản lý. Dự báo nhóm ngành này sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ vào 03 quý cuối năm.
Quý I năm 2014 thị trường thành phố Cần Thơ đã vào cao điểm mua sắm của năm, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, trang phục tăng mạnh do đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 nên các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, đẩy mạnh hàng hóa ra thị trường tiêu thụ, sức mua tăng mạnh nên các doanh nghiệp được ưu tiên tuyển dụng cao ngành bán hàng và dịch vụ khách hàng, nhu cầu tuyển dụng mạnh nhất vào tháng một và giảm dần vào hai tháng cuối của quý I. Đồng thời, trong quý I diễn ra sôi nổi nhiều chương trình, sự kiện mừng Tết cổ truyền, một số ngày kỷ niệm lớn, một số ngày hội vì thế, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị tăng cao nên nhu cầu tuyển dụng lái xe và thợ vận hành trang thiết bị chuyển động được chú trọng, chiếm tỷ lệ 9,31% trong tổng số nhu cầu.
Nhu cầu tuyển dụng lao động giản đơn trong quý là 5,95%, giảm 9,38% so với quý IV/2013 và giảm 13,95% so với cùng kỳ. Khác với những năm trước, tình trạng thiếu hụt, khan hiếm lao động phổ thông thời điểm sau Tết Nguyên đán của các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng đã bớt căng thẳng. Người lao động không có xu hướng nhảy việc và doanh nghiệp cũng không tuyển dụng lao động ồ ạt, thay vào đó là ưu tiên những người có kinh nghiệm, tay nghề, chuyên môn kỹ thuật có thể đáp ứng được yêu cầu công việc tại các doanh nghiệp. Nguyên nhân của sự khác biệt này là do tình hình kinh tế xã hội của thành phố có những dấu hiệu tích cực, các doanh nghiệp cũng đang trong quá trình tái cấu trúc và phát triển, muốn ổn định lao động để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Vì thế, các doanh nghiệp rất chú trọng đến vấn đề tiền thưởng, tiền lương và phúc lợi cho người lao động nên đã thu hút lao động quay lại doanh nghiệp làm việc sau thời gian nghỉ Tết.
Đơn vị tính:%
Biểu đồ 2: So sánh 6 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý I/2014
Nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ nghề trong quý I/2014 được thể hiện cụ thể như sau:
+ Nhu cầu nhân lực có trình độ Cao đẳng – Đại học – Trên đại học chiếm tỷ lệ 18,13% trong tổng số nhu cầu, khoảng 70% nhu cầu tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm, điều này cho thấy rõ các doanh nghiệp đang có sự quan tâm thu hút nhân sự có trình độ chuyên môn chất lượng cao. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành nghề như công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục, sức khỏe, khoa học và kỷ thuật…
+ So với quý IV/2013, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Trung cấp ở quý I/2014 tăng 1,44 lần, chiếm tỷ lệ 25,6 % trong tổng số nhu cầu, tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh và quản lý, bán hàng, dịch vụ khách hàng…
+ Trình độ Sơ cấp đặc biệt tăng mạnh so với hai quý trước, chiếm 10,18% trong tổng số nhu cầu, tập trung chủ yếu ở nhóm ngành lái xe và thợ vận hành các thiết bị chuyển động.
+ Chỉ số nhu cầu tuyển dụng Lao động phổ thông chiếm 46,09% giảm 12,37% so quý IV/2013, qua đó cho thấy tình hình thiếu hụt lao động phổ thông thấp hơn so các năm trước và tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp không cao.
Bảng 1: Bảng phân tích so sánh chỉ số cầu nhân lực theo trình độ trên địa bàn thành phố Cần Thơ quý I năm 2014
Đơn vị tính: %
Stt |
Trình độ |
Chỉ số quý |
Chỉ số quý |
Chỉ số quý |
III/2013 |
IV/2013 |
I/2014 |
||
1 |
Lao động phổ thông |
48,36 |
58,46 |
46,09 |
2 |
Sơ cấp nghề |
3,44 |
4,63 |
10,18 |
3 |
Trung cấp (CN-TCN) |
28,37 |
17,82 |
25,60 |
4 |
Cao đẳng (CN-CĐN) |
5,02 |
6,17 |
6,24 |
5 |
Đại học |
14,78 |
12,49 |
11,60 |
6 |
Trên đại học |
0,03 |
0,43 |
0,29 |
Tổng số ( 100% = Số người ) |
11.504 |
11.205 |
14.463 |
Đơn vị tính:%
Biểu đồ 3: Chỉ số nhu cầu tuyển dụng nhân lực theo trình độ quý I/2014
Bảng 2: Bảng thống kê phân tích chỉ số cầu nhân lực theo ngành nghề trên địa bàn thành phố Cần Thơ quý I năm 2014
Đơn vị tính: %
Stt |
Ngành nghề |
Chỉ số quý III/2013 |
Chỉ số quý VI/2013 |
Chỉ số quý I/2014 |
1 |
Nhà lãnh đạo trong các ngành, các cấp. |
0,00 |
0,00 |
0,00 |
2 |
LĐ các tập đoàn, Tổng Cty & tương đương |
0,25 |
0,00 |
0,50 |
3 |
Nhà chuyên môn trong lĩnh vực KH & KT |
9,89 |
4,74 |
6,74 |
4 |
Nhà chuyên môn về sức khỏe |
3,89 |
1,41 |
2,10 |
5 |
Nhà chuyên môn về giáo dục |
4,92 |
1,51 |
0,56 |
6 |
Nhà chuyên môn về kinh doanh và quản lý |
18,55 |
27,11 |
31,22 |
7 |
Nhà chuyên môn trong lĩnh vực CNTT và truyền thông |
5,34 |
0,83 |
3,22 |
8 |
Nhà chuyên môn về luật pháp, văn hóa, xã hội |
0,27 |
0,33 |
0,56 |
9 |
Nhân viên tổng hợp và nhân viên làm các công việc bàn giấy |
0,38 |
0,96 |
0,95 |
10 |
Nhân viên dịch vụ khách hàng |
3,55 |
8,75 |
8,42 |
11 |
Nhân viên hỗ trợ văn phòng khác |
2,03 |
0,09 |
0,44 |
12 |
Nhân viên dịch vụ cá nhân |
2,14 |
6,00 |
3,82 |
13 |
Nhân viên bán hàng |
10,65 |
19,42 |
13,71 |
14 |
Nhân viên chăm sóc cá nhân |
0,34 |
0,54 |
0,93 |
15 |
Nhân viên dịch vụ bảo vệ |
3,61 |
6,42 |
4,75 |
16 |
LĐ có kỹ năng trong NN, LN và thủy sản |
0,04 |
0,13 |
4,52 |
17 |
Lao động xây dựng và lao động có liên quan đến nghề xây dựng |
3,13 |
0,64 |
0,04 |
18 |
Thợ kim loại, thợ máy và thợ có liên quan |
0,97 |
0,26 |
1,24 |
19 |
Thợ thủ công và thợ liên quan đến in |
0,00 |
0,21 |
0,17 |
20 |
Thợ điện và thợ điện tử |
4,36 |
0,64 |
0,39 |
21 |
Thợ chế biến thực phẩm, công việc đồ gỗ, may mặc và nghề thủ công khác và thợ khác có liên quan |
4,09 |
0,21 |
0,15 |
22 |
Thợ vận hành máy móc và thiết bị cố định |
0,59 |
0,04 |
0,31 |
23 |
Lái xe và thợ vận hành thiết bị chuyển động |
1,13 |
4,43 |
9,31 |
24 |
Lao động giản đơn |
19,90 |
15,33 |
5,95 |
25 |
Lực lượng quân đội |
0,00 |
0,00 |
0,00 |
|
Tổng số ( 100% = Số người ) |
11.504 |
11.205 |
14.463 |
2.2. Về cung nhân lực:
Nhu cầu tìm việc trong quý I năm 2014 giảm 12,92% so với quý IV năm 2013. Những nhóm ngành nghề có tỷ lệ giảm nhiều nhất trong quý là khoa học và kỹ thuật, sức khỏe, giáo dục, ….
Mặc dù có nhu cầu giảm so với quý trước những số lượng người tìm việc trên địa bàn thành phố vẫn ở mức cao. Người lao động thiếu kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, giao tiếp, làm việc nhóm, khả năng thích nghi với sự thay đổi và tình huống mới là nguyên nhân khiến họ khó tìm được công việc ổn định, làm cho tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng ở cả nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng. Thực tế hiện nay, một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp trình độ cao với loại giỏi, xuất sắc nhưng vẫn thất nghiệp là trường hợp không hiếm. Do thiếu kỹ năng nên người lao động khó đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp, có hơn 40% doanh nghiệp phải đào tạo lại cho người lao động khi nhận họ vào làm việc chính thức. Vì vậy cần phải có những biện pháp thiết thực để hạn chế sự “lệch pha” giữa đào tạo và yêu cầu của doanh nghiệp.
Nhóm ngành nghề có nhu cầu tìm việc cao nhất trong quý là kinh doanh và quản lý (29,28%), văn phòng (22,3%), khoa học và kỹ thuật (12,15%), bán hàng (9,48%), công nghệ thông tin và truyền thông (9,32%) …
Đơn vị tính:%
Biểu đồ 4: So sánh 06 nhóm ngành có nguồn cung cao trong quý I/2014
Tỷ trọng người tìm việc đã qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ tăng lên, đặc biệt là ở các trình độ cao đẳng và đại học. Cụ thể, chỉ số cung nhân lực theo trình độ trong quý I/2014 là: trên đại học (0,5%), đại học (62,56%), cao đẳng (18,64%), trung cấp (11,81%), sơ cấp (2,0%), lao động phổ thông (4,49%).
Nguồn cung lao động trong quý I năm 2014 tập trung chủ yếu trình độ đại học, tăng 7,31% so với quý IV năm 2013. Nguyên nhân là do hiện nay có không ít thạc sĩ, cử nhân ra trường đặt mình ở vị trí quá cao đi kèm những đòi hỏi thiếu thực tế là một trong những nguyên nhân khiến họ không kiếm được việc làm hoặc mất việc. Dự báo nguồn cung lao động ở trình độ này sẽ tiếp tục tăng vào quý II, do đây là thời điểm tốt nghiệp của một số trường cao đẳng, đại học trên địa bàn, một lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp sẽ tham gia vào thị trường lao động.
Đơn vị tính:%
Biểu đồ 5: Phân tích chỉ số nhu cầu tìm việc theo trình độ quý I/2014
2.3. Đánh giá cung-cầu lao động:
Phân tích nhu cầu thực tế của nhiều doanh nghiệp hiện nay rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao nhưng ngược lại nhiều sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Tình trạng mất cân đối giữa cung- cầu lao động tiếp tục diễn ra, tình trạng thất nghiệp kéo dài và ngày càng tăng cao. Đối tượng thất nghiệp rơi vào nhiều nhất là những đối tượng có trình độ cao như thạc sĩ, cử nhân. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Mặt khác, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiếu công khai, minh bạch thông tin tuyển dụng phần nào hạn chế khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm của nhóm lao động này.
Tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động thể hiện rõ ở ngành nghề như: khoa học và kỹ thuật, kinh doanh và quản lý, dịch vụ khách hàng, bán hàng, …
+ Nhóm ngành nghề khoa học kỹ thuật có cầu lao động là 6,74% trong khi đó cung lao động là 12,15%, nguồn cung lao động gần bằng 2 lần nguồn cầu lao động của doanh nghiệp. Tình trạng cung vượt quá cầu làm cho tăng cao áp lực cạnh tranh, tăng tỷ trọng thất nghiệp của người lao động.
+ Những ngành nghề dịch vụ khách hàng, bán hàng, lái xe có nguồn cung lao động quá ít so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Tuy vậy các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn nguồn nhân lực phù hợp, nguyên nhân là do nhiều người lao động thiếu nhiều kinh nghiệm, kỹ năng không phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
Sự mất cân đối cung-cầu lao động còn thể hiện rõ nét qua trình độ. Qua biểu đồ 6 cho thấy rõ cung và cầu nhân lực trong quý I không có điểm chung. Cụ thể như: trình độ đại học thì cung lao động là 62,56% khi đó cầu lao động ở trình độ này chỉ có 11,60%, trình độ cao đẳng thì cung lao động là 18,64% khi đó cầu lao động ở trình độ này chỉ có 6,24%. Ngược lại ở trình độ trung cấp thì cung lao động chỉ có 11,81% còn cầu lao động ở trình độ này lên đến 25,60%. Thể hiện rõ nét hơn là ở trình độ lao động phổ thông, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ở trình độ này là 46,09% trong khi nguồn cung lao động chỉ đáp ứng được 4,49%.
Đơn vị tính:%
Biểu đồ 6: So sánh cung - cầu nhân lực theo trình độ quý I/2014
II. DỰ BÁO CUNG, CẦU NHÂN LỰC QUÝ II NĂM 2014
1. Thị trường lao động thành phố Cần Thơ quý II phát triển ổn định hơn do thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành có tiềm năng phát triển. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình giải quyết nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; khắc phục những yếu kém, tồn tại của thị trường bất động sản. Việc kích thích tiêu dùng trong nước sẽ là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp như tăng cường quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, tình trạng cạnh tranh. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về những cơ hội cũng như thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong giai đoạn tới.
2. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong quý II năm 2014 sẽ tăng khoảng 16.000 lao động, trong đó sẽ chú trọng tuyển dụng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn. Cụ thể, trình độ đại học-trên đại học chiếm khoảng 12,8%, cao đẳng-trung cấp khoảng 35,3%, sơ cấp nghề và lao động phổ thông khoảng 51,9%. Nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như: kinh doanh và quản lý, dịch vụ khách hàng, bán hàng, khoa học và kỹ thuật… Phát triển cùng với sự tăng trưởng kinh tế, dự báo thị trường lao động những ngành này sẽ tiếp tục sôi nổi vào những quý cuối năm.
3. Nguồn cung nhân lực sẽ có xu hướng tăng do một lượng lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường vào quý II và quý III ở các trường đào tạo trên địa bàn thành phố tham gia vào thị trường lao động. Tập trung vào các nhóm ngành nghề như: kinh doanh và quản lý, văn phòng, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ…
4. Tình trạng mất cân đối giữa cung - cầu lao động vẫn còn tiếp tục diển ra. Tình trạng biến động lao động tại các doanh nghiệp sẽ không biến động nhiều nhưng chưa đạt tới mức tối đa để đảm bảo sản xuất.
5. Để hạn chế được tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động, cân bằng thị trường lao động, giảm bớt được sự “lệch pha” giữa đào tạo và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần tập trung vào nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi và quan hệ khách hàng, và mở rộng thị trường trong nước. Đặc biệt cần chú trọng quản trị nhân lực, đẩy mạnh công tác xây dựng nguồn nhân lực dài hạn cũng như hướng tới những chiến lược tăng trưởng bền vững trong tương lai. Đồng thời nên chủ động xây dựng quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo với các trường để đảm bảo sự thống nhất giữa đào tạo và nhu cầu thị trường, tạo nguồn cung nhân lực phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Về phía nhà trường, cần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, thường xuyên cập nhật tình hình phát triển thị trường lao động, để bắt kịp xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Thường xuyên mở những lớp tư vấn hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm nhằm trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng để tham gia vào thị trường lao động, thúc đẩy thị trường lao động phát triển ổn định./.