THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2013
BÁO CÁO
Phân tích cung, cầu lao động 06 tháng đầu năm 2013
và dự báo 06 tháng cuối năm 2013
Trong 6 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ (Trung tâm) đã thu thập, khảo sát thông tin cung, cầu lao động từ các nguồn như Cổng thông tin việc làm Cần Thơ tại địa chỉ www.vieclamcantho.vn, thông tin đăng tuyển trên báo, đài tại thành phố Cần Thơ của các doanh nghiệp với tổng số 30.408 nhu cầu tuyển dụng lao động và 15.608 người tìm việc ở thành phố Cần Thơ.
Từ các thông tin đã nêu, cho thấy tình hình cung, cầu lao động ở thành phố Cần Thơ như sau:
I. PHÂN TÍCH CUNG, CẦU LAO ĐỘNG 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2013:
1. Tình hình chung:
Kỳ họp lần thứ 8 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ (khóa VIII) đã đánh giá tình hình kinh tế - xã hôi của thành phố Cần Thơ trong 6 tháng đầu năm 2013 như sau:
“Trong 6 tháng đầu năm, thành phố Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả các chính sách của Trung ương, chỉ đạo của Thành ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố. Tập trung các giải pháp khả thi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực (tăng trưởng kinh tế đạt 8,38%), góp phần kiềm chế lạm phát của cả nước (chỉ số CPI tăng 0,98%). Sản xuất công nghiệp và dịch vụ tiếp tục được duy trì, phát triển; các doanh nghiệp thương mại đẩy mạnh đưa hàng Việt về tiêu thụ ở vùng nông thôn, các siêu thị dùng nhiều hình thức khuyến mãi để kích thích sức mua, các doanh nghiệp xuất khẩu tích cực khôi phục và mở rộng thị trường. Ngành nông nghiệp phát triển sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng. Đầu tư xây dựng cơ bản có tập trung trọng tâm, trọng điểm. Thu ngân sách nhà nước có chuyển biến tích cực (tăng 61,7% so cùng kỳ). Hoạt động khoa học công nghệ hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng, quan tâm đầu tư cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác an sinh xã hội được đảm bảo thực hiện tốt, kịp thời rà soát, điều tra nắm bắt tình hình đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo để có những giải pháp hỗ trợ cụ thể; thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ góp phần giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động. Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi với nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Công tác quản lý đất đai, trật tự đô thị từng bước đi vào nề nếp. Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả. Các cơ quan tư pháp thành phố đã có nhiều nỗ lực, tổ chức bộ máy được kiện toàn, công tác thanh tra, pháp chế hoạt động hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao và đạt nhiều kết quả trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Thông tin truyền thông đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thành phố. Công tác tôn giáo, dân tộc ngày càng được chú trọng. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, tai nạn giao thông được kiềm chế, thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy, nổ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, so với nghị quyết của Hội đồng nhân dân và yêu cầu phát triển của thành phố vẫn còn một số mặt hạn chế: Hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng duy trì mức ổn định nhưng kết quả đạt được so với kế hoạch phát triển của thành phố và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố vẫn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt thị trường hàng hóa và bất động sản gặp nhiều khó khăn, sức mua yếu, kim ngạch xuất khẩu đạt thấp, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực vướng các rào cản về kỹ thuật thương mại và cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế; hàng hóa còn tồn kho, nợ xấu tuy được kiểm soát nhưng còn cao, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn, khả năng cạnh tranh thấp. Thu hút đầu tư nước ngoài thấp, quy mô nhỏ, chưa có tín hiệu khởi sắc. Một số dự án, công trình khi bàn giao, đưa vào khai thác sử dụng chậm phát huy hiệu quả do các hạng mục phụ trợ đầu tư thiếu đồng bộ. Quản lý chất lượng công trình còn lỏng lẻo. Tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm còn diễn biến phức tạp. Số vụ việc do các cơ quan tư pháp thụ lý có xu hướng tăng, chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp thành phố có mặt còn hạn chế”.
2. Tình hình cung-cầu nhân lực:
2.1. Về nhu cầu nhân lực:
Nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong 6 tháng đầu năm 2013 so với 6 tháng đầu năm 2012 tăng 11,47% và giảm 23,33% so với 6 tháng cuối năm 2012, trong đó xu hướng chung ưu tiên tuyển dụng lao động có trình độ và tay nghề.
Biểu đồ 1: So sánh sự biến động nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong 6 tháng đầu năm 2013
Những nhóm ngành nghề có chỉ số cầu nhân lực giảm mạnh như công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ khách hàng, điện và điện tử, ... Một số nhóm ngành vẫn giữ mức độ tuyển dụng lao động cao trong tổng số cầu nhân lực 6 tháng đầu năm 2013 như kinh doanh và quản lý (23,24%), bán hàng (14,63%), lao động giản đơn (11,53%), dịch vụ khách hàng (8,34%), khoa học và kỹ thuật (7,77%), ...
Phân tích nhu cầu nhân lực của những nhóm ngành nghề cần nhiều lao động cho thấy:
Có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2013 là nhóm ngành kinh doanh và quản lý, chiếm 23,24% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng, do các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng các vị trí việc làm về nghiên cứu thị trường, kinh doanh, kế toán, tiếp thị, ... , đồng thời nhân lực được tuyển dụng phải có kỹ năng và kinh nghiệm. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giảm hàng tồn kho để vượt qua khó khăn, xúc tiến các biện pháp nắm để ổn định và mở rộng thị trường. Ngoài ra, đã có những công ty mang thương hiệu toàn cầu tới Việt Nam ngày càng nhiều, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng nhân lực trong các ngành kinh doanh và quản lý.
Trong 6 tháng đầu năm, do nhiều doanh nghiệp vừa ổn định sản xuất, vừa tăng cường sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giảm hàng tồn nên nhu cầu tuyển dụng ngành bán hàng tăng cao, đạt 14,63% tổng số cầu nhân lực.
Ngoài ra, do hầu hết doanh nghiệp đặc biệt chú trọng tuyển dụng lao động có trình độ, kinh nghiệm và tay nghề cao, nên nhu cầu tuyển dụng lao động làm những công việc giản đơn giảm mạnh. Chỉ số cầu lao động làm công việc giản đơn trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt mức 11,53%, giảm 46,80 % so cùng kỳ năm trước.
Biểu đồ 2: So sánh 6 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong 6 tháng đầu năm 2013
Thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2013 chuyển biến tích cực dẫn đến biến động cầu nhân lực theo trình độ. Hầu hết doanh nghiệp tăng cường sản xuất kinh doanh, tiếp tục tái cơ cấu bộ máy theo hướng giữ lại nhân sự có trình độ và tay nghề, hạn chế tối đa chi phí về nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo nghề vẫn ở mức cao, chiếm 52,43% trong nhu cầu tuyển dụng, nhưng có xu hướng giảm dần và các doanh nghiệp ưu tiên tuyển chọn những lao động có kinh nghiệm và tay nghề để tiết kiệm chi phí đào tạo lại.
Tình trạng chuyển dịch lao động diễn ra mạnh mẽ vào giữa quý I và đầu quý II năm 2013với hiện tượng lao động nhảy việc tăng cao, chủ yếu rơi vào lao động phổ thông, do nhu cầu tìm kiếm công việc phù hợp, mức lương và chế độ đãi ngộ cao hơn của các lao động phổ thông, nguyên nhân khác nữa là do một số doanh nghiệp cần tinh giản nhân lực, tiết kiệm tối đa chi phí để duy trì hoạt động trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Bảng 1: Bảng phân tích so sánh chỉ số cầu nhân lực theo trình độ trên địa bàn thành phố Cần Thơ 06 tháng đầu năm 2013
STT |
Trình độ |
Chỉ số 6 tháng đầu năm 2012 (%) |
Chỉ số 6 tháng cuối năm 2012 (%) |
Chỉ số 6 tháng đầu năm 2013 (%) |
1 |
Lao động phổ thông |
68,52 |
56,32 |
52,43 |
2 |
Sơ cấp nghề |
0,71 |
1,75 |
2,69 |
3 |
Trung cấp (CN-TCN) |
17,82 |
21,07 |
26,08 |
4 |
Cao đẳng (CN-CĐN) |
4,62 |
9,15 |
5,80 |
5 |
Đại học |
8,29 |
11,47 |
12,97 |
6 |
Trên đại học |
0,03 |
0,24 |
0,02 |
Tổng số (100% = Số người) |
27.278 |
39.664 |
30.408 |
Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng mạnh, chủ yếu là nhân lực là trình độ trung cấp, chiếm 26,08% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng nhân lực, tăng tới 63,16% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do trong 6 tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân lực ở các trường trung cấp nghề, các cơ sở đào tạo nghề. Qua khảo sát các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay luôn muốn tuyển dụng nhân lực có trình độ trung cấp là do những người này biết nghề, được thực hành nhiều, khả năng nắm bắt và thành thạo công việc mới nhanh nên có thể vào làm việc ngay mà không cần đào tạo lại.
Biểu đồ 3: Chỉ số tuyển dụng nhân lực theo trình độ 6 tháng đầu năm 2013
Bảng 2: Bảng thống kê phân tích chỉ số cầu nhân lực theo ngành nghề trên địa bàn thành phố Cần Thơ 06 tháng đầu năm 2013
Đơn vị tính: %
STT |
Ngành nghề |
Chỉ số 6 tháng đầu năm 2012 |
Chỉ số 6 tháng cuối năm 2012 |
Chỉ số 6 tháng đầu năm 2013 |
1 |
Nhà lãnh đạo trong các ngành, các cấp. |
0,00 |
0,00 |
0,00 |
2 |
LĐ các tập đoàn, Tổng Cty & tương đương |
1,25 |
0,51 |
0,93 |
3 |
Nhà chuyên môn trong lĩnh vực KH & KT |
5,02 |
8,73 |
7,77 |
4 |
Nhà chuyên môn về sức khỏe |
1,75 |
2,55 |
2,94 |
5 |
Nhà chuyên môn về giáo dục |
0,84 |
0,64 |
2,79 |
6 |
Nhà chuyên môn về kinh doanh và quản lý |
25,79 |
32,26 |
23,24 |
7 |
Nhà chuyên môn trong lĩnh vực CNTT và truyền thông |
9,32 |
5,19 |
2,54 |
8 |
Nhà chuyên môn về luật pháp, văn hóa, xã hội |
0,53 |
0,45 |
1,16 |
9 |
Nhân viên tổng hợp và nhân viên làm các công việc bàn giấy |
1,17 |
0,23 |
1,90 |
10 |
Nhân viên dịch vụ khách hàng |
5,00 |
10,56 |
8,34 |
11 |
Nhân viên hỗ trợ văn phòng khác |
0,20 |
0,35 |
0,89 |
12 |
Nhân viên dịch vụ cá nhân |
7,36 |
3,69 |
5,41 |
13 |
Nhân viên bán hàng |
11,69 |
9,67 |
14,63 |
14 |
Nhân viên chăm sóc cá nhân |
0,45 |
1,69 |
0,25 |
15 |
Nhân viên dịch vụ bảo vệ |
2,38 |
3,61 |
5,90 |
16 |
LĐ có kỹ năng trong NN, LN và thủy sản |
0,75 |
1,25 |
1,64 |
17 |
Lao động xây dựng và lao động có liên quan đến nghề xây dựng |
0,99 |
1,02 |
1,78 |
18 |
Thợ kim loại, thợ máy và thợ có liên quan |
0,34 |
0,10 |
0,73 |
19 |
Thợ thủ công và thợ liên quan đến in |
0,20 |
0,30 |
0,01 |
20 |
Thợ điện và thợ điện tử |
2,10 |
5,30 |
3,34 |
21 |
Thợ chế biến thực phẩm, công việc đồ gỗ, may mặc và nghề thủ công khác và thợ khác có liên quan |
3,20 |
0,60 |
1,25 |
22 |
Thợ vận hành máy móc và thiết bị cố định |
0,10 |
0,79 |
0,25 |
23 |
Lái xe và thợ vận hành thiết bị chuyển động |
0,46 |
1,20 |
0,77 |
24 |
Lao động giản đơn |
24,16 |
9,68 |
11,53 |
25 |
Lực lượng quân đội |
0,00 |
0,00 |
0,00 |
Tổng số ( 100% = Số người ) |
27.278 |
39.664 |
30.408 |
2.2. Về cung nhân lực:
Nhu cầu tìm việc trong 6 tháng đầu năm 2013 tăng 24,24% so với 6 tháng đầu năm 2012 và giảm 14,31% so với 6 tháng cuối năm 2012. Số lao động có nhu cầu tìm việc tập trung vào các nhóm ngành nghề như kinh doanh và quản lý (51,77%), khoa học và kỹ thuật (16,67%), công nghệ thông tin và truyền thông (4,84%), lái xe (4,26%), bán hàng (3,16%), …
Trong 6 tháng đầu năm 2013 nhu cầu tìm việc cao tập trung vào nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh và quản lý, khoa học và kỹ thuật. Đó là các ngành nghề kinh doanh, kế toán, hành chính-văn phòng, điện, cơ khí, xây dựng, … Số người tìm việc cao nhưng thiếu kỹ năng làm việc, kinh nghiệm, giao tiếp, … là nguyên nhân khiến nhiều lao động khó “tiếp cận” được với doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, khá nhiều sinh viên tốt nghiệp với loại giỏi, xuất sắc nhưng vẫn thất nghiệp là trường hợp không hiếm. Nguyên nhân là do họ thiếu những kiến thức thực tế, khả năng giao tiếp, kỹ năng làm việc, … là những điều mà ở trường không dạy nhưng các nhà tuyển dụng thì luôn luôn cần. Do kém năng động, không tự rèn luyện, tự trau dồi trong quá trình đi làm thêm, học thêm là nguyên nhân khiến những sinh viên mới ra trường gặp nhiều khó khăn tìm kiếm việc làm, dẫn đến nguồn cung lao động những ngành này ngày càng cao và tăng nhanh.
Nhu cầu tìm việc nhóm ngành công nghệ thông tin và truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2013 tăng 3,64% so với 6 tháng cuối năm 2012. Dự báo ngành công nghệ thông tin hiện nay và sắp tới sẽ đòi hỏi một nguồn cung lao động lớn. Nhân lực của ngành này sẽ tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm 2013.
Biểu đồ 4: Chỉ số 6 nhóm ngành có nguồn cung cao trong 6 tháng đầu năm 2013
Tỷ trọng người tìm việc đã qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ tăng lên, đặc biệt là ở các trình độ cao đẳng và đại học. Cụ thể, chỉ số cung nhân lực theo trình độ trong 6 tháng đầu năm 2013 là: trên đại học (0,29%), đại học (56,28%), cao đẳng (22,53%), trung cấp (11,29%), sơ cấp (2,34%), lao động phổ thông (7,26%).
Nguồn cung lao động trong 6 tháng đầu năm 2013 tập trung chủ yếu trình độ đại học, tăng 18,09% so với 6 tháng cuối năm 2012. Hiện nay, có không ít cử nhân ra trường đặt mình ở vị trí quá cao đi kèm những đòi hỏi thiếu thực tế là một trong những nguyên nhân khiến họ không kiếm được việc làm hoặc mất việc. Thái độ đó bắt nguồn từ tâm lý nôn nóng thể hiện mình, mong muốn có vị trí công việc với mức thu nhập cao. Trong khi đó, phương châm của khá nhiều nhà tuyển dụng hiện nay là đặt “đức” lên trên “tài”, coi trọng thái độ ứng xử, tác phong giao tiếpvà kỹ năng làm việc theo nhóm. Còn chuyên môn nghiệp vụ sẽ dần dần hướng dẫn, bổ sung trong quá trình làm việc.
Biểu đồ 5: Phân tích chỉ số nhu cầu tìm việc theo trình độ 6 tháng đầu năm 2013
2.3. Đánh giá cung-cầu lao động:
Mặc dầu, trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế-xã hội thành phố Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực với sự hồi phục, ổn định và phát triển của nhiều doanh nghiệp, nhưng tình trạng mất cân đối giữa cung- cầu lao động tiếp tục diễn ra. Các doanh nghiệp tái cấu trúc bộ máy nhân sự, cắt giảm nhân lực yếu tay nghề, chú trọng tuyển dụng lao động có trình độ và kinh nghiệm cao nên nhu cầu tuyển dụng chưa cao. Trong khi đó các lao động phổ thông “nhảy việc” thay đổi chổ làm để tìm mức lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn làm cho nguồn cung tăng. Song, tình trạng cung vượt qua cầu làm cho tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao.
Tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động thể hiện rõ ở ngành nghề như: kinh doanh và quản lý, khoa học và kỹ thuật, bán hàng, …
Nhóm ngành nghề kinh doanh và quản lý có nhu cầu lao động là 23,24%, trong khi đó cung lao động tới 51,77%. Nhóm ngành kinh doanh và quản lý là nhóm ngành rộng bao gồm nhiều ngành nghề như quản trị kinh doanh, marketing, tài chính ngân hàng, ... là những ngành học được đánh giá cao trong những năm vừa qua, nên nhu cầu nhân sự những ngành này khá lớn. Chính vì thế đa số các trường đại học đều đào tạo những ngành này, dẫn đến “vừa thừa vừa thiếu” nhân lực trên thị trường lao động, làm cho khoảng cách giữa cung và cầu ngày càng xa.
Đối với nhóm ngành khoa học và kỹ thuật có cầu lao động là 07,77%, còn cung lao động là 16,67%. Những ngành thuộc nhóm ngành này như: điện, điện tử, cơ khí, kỹ thuật ứng dụng, ....đều có nhu cầu tuyển dụng cao. Mặc dù nguồn cung lao động ngành này cao hơn 2 lần nguồn cầu lao động nhưng những doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực, do các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ trung cấp, cao đẳng, nhưng nguồn cung nhân lực đa phần lại tốt nghiệp cao đẳng, đại học, thừa lý thuyết nhưng hạn chế về kỹ năng chuyên môn và khả năng thích nghi thực tế thị trường lao động.
Sự mất cân đối cung-cầu lao động còn thể hiện rõ nét qua trình độ. Ta thấy rõ cung và cầu nhân lực ít gặp được nhau. Cụ thể như: đối với trình độ đại học thì cung lao động là 56,28% khi đó cầu lao động ở trình độ này chỉ có 12,97%, trình độ cao đẳng thì cung lao động là 22,53% khi đó cầu lao động ở trình độ này chỉ có 5,8%. Ngược lại ở trình độ trung cấp thì cung lao động chỉ có 11,29% còn cầu lao động ở trình độ này lên đến 26,08%.
Biểu đồ 6: So sánh cung - cầu nhân lực theo trình độ 6 tháng đầu năm 2013
II. DỰ BÁO CUNG, CẦU NHÂN LỰC 06 THÁNG CUỐI NĂM 2013
1. Thị trường lao động thành phố Cần Thơ 6 tháng cuối năm 2013 phát triển ổn định hơn do thành phố tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đạt kết quả cao nhất, triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, giảm hàng tồn kho, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
2. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2013 sẽ tăng mạnh và khoảng 42.000 lao động, trong đó đa số là tuyển dụng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật. Cụ thể, trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 14,6%, cao đẳng, trung cấp khoảng 32,8%, sơ cấp nghề và lao động phổ thông khoảng 52,6%. Nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như: kinh doanh và quản lý, bán hàng, dịch vụ cá nhân, dịch vụ khách hàng… Dự báo thị trường lao động những ngành này sẽ phát triển sôi nổi vào những tháng cuối năm 2013, đặc biệt là thời điểm quý IV của năm 2013. Do đây là thời điểm cận Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, đẩy mạnh hàng hóa ra thị trường tiêu thụ vào dịp mua sắm cuối năm nên dự kiến nhu cầu tuyển dụng những ngành nghề tăng cao.
3. Nguồn cung nhân lực sẽ có xu hướng tăng do một lượng lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường vào cuối quý III và đầu quý IV ở các trường đào tạo trên địa bàn thành phố tham gia vào thị trường lao động. Những người lao động thất nghiệp, những lao động muốn thay đổi công việc có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Và tập trung vào các nhóm ngành nghề như: kinh doanh và quản lý, văn phòng, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ…
4. Tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu vẫn còn tiếp tục xãy ra. Tình trạng chuyển dịch lao động, lao động “nhảy việc” muốn thay đổi môi trường làm việc, tìm nơi có chế độ đãi ngộ cao hơn sẽ diễn ra sôi nổi.
5. Để hạn chế tình trạng này, cũng như làm giảm bớt những nghịch lý, bất cập trong cung-cầu lao động, góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển đúng hướng, các doanh nghiệp cần ổn định bộ máy nhân sự, tăng cường sản xuất kinh doanh, tạo ra môi trường làm việc lý tưởng, đem đến cho nhân viên những giá trị thực về vật chất và tinh thần để giữ chân nguồn nhân lực; đồng thời nên chủ động hợp tác, liên kết đào tạo với các trường để tạo nguồn cung nhân lực phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Về phía nhà trường, cần thường xuyên cập nhật tình hình phát triển thị trường lao động, để đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế cũng là cách tránh lãng phí trong đào tạo, lãng phí nguồn nhân lực,.... thường xuyên mở những lớp tư vấn hướng nghiệp cho những học sinh sắp tốt nghiệp phổ thông, nhằm trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng, giúp các em chọn đúng ngành, đúng nghề, giảm tỷ lệ lao động “nhảy việc” vì chán việc, bỏ việc sau này, góp phần ổn định sự phát triển của thị trường lao động./.