THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I NĂM 2013
BÁO CÁO
Phân tích thị trường lao động quý IV năm 2012 và dự báo cung - cầu nhân lực quý I năm 2013
Trong quý IV năm 2012, Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ (Trung tâm) đã thực hiện khảo sát, cập nhật thông tin cung – cầu lao động thông qua Cổng thông tin việc làm Cần Thơ tại địa chỉ www.vieclamcantho.vn, thông qua các phiên giao dịch định kỳ, từ thông tin đăng tuyển và tìm việc trên báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố Cần Thơ, của 1,598 doanh nghiệp với tổng số 32,990 nhu cầu tuyển dụng lao động, và thu thập thông tin của hơn 8,390 người tìm việc có nhu cầu tìm việc làm tại thành phố.
Từ những thông tin khảo sát được, Trung tâm đã tổng hợp, phân tích định hướng về tình hình thị trường lao động thành phố quý I/2013 như sau:
I. PHÂN TÍCH CHỈ SỐ CUNG – CẦU NHÂN LỰC QUÝ IV/2012:
1. Tình hình chung:
Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ tương đối ổn định, tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp dịch vụ được duy trì, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhưng các doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, khó tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, tình hình sản xuất không ổn định, hàng hóa xuất khẩu gặp khó về thị trường tiêu thụ và giá giảm thấp. Nên tình trạng nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất vỡ nợ phải ngừng hoạt động và có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động nhưng không có có lợi nhuận…Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, ổn định nguồn nhân lực để chuẩn bị sản xuất hàng hóa kinh doanh vào dịp cuối năm.
2. Tình hình cung-cầu nhân lực:
2.1 Về nhu cầu nhân lực:
Trong quý IV/2012, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ giảm 15,84% so với quý III/2012. Một số ngành nghề giảm nhiều trong quý như: ngoại thương, thương mại; kế toán; tiếp thị; bưu chính, viễn thông; kỹ thuật ứng dụng; kiến trúc, xây dựng;… Bên cạnh đó, những nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng tăng trong quý như: dịch vụ; kinh doanh, kinh tế; bán hàng; thủy, hải sản; quản lý, trợ lý;…
Nhóm ngành dịch vụ và bán hàng có xu hướng tăng mạnh trong quý IV so với quý III, đặc biệt là ngành dịch vụ tăng 1.2 lần so với quý III và tăng gấp 6.3 lần so với quý II. Do trong quý này diễn ra sự kiện quan trọng và những ngày lễ lớn như: sự kiện “Triển lãm Quốc tế Xây dựng Vietbuild Cần Thơ 2012”, sự kiện “Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2012”, ngày lễ Noel, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đặc biệt là ngày Tết Nguyên đán – ngày Tết truyền thống lớn nhất trong năm nên nhu cầu về dịch vụ mua sắm, nhà hàng, khách sạn tăng cao. Đồng thời, do đây là thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch năm cũng như sản xuất hàng hóa phục vụ ngày tết. Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ kích cầu như bán hàng, khuyến mãi, quảng bá thương hiệu đang có nhu cầu tuyển dụng cao, nhất là lao động thời vụ. Nhu cầu tuyển dụng nhóm ngành dịch vụ và bán hàng sẽ vẫn tiếp tục tăng mạnh trong quý I/2013. Ngành thủy, hải sản cũng có nhu cầu tuyển dụng cao so với hai quý trước.
Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý IV như: lao động chư qua đào tạo làm các công việc phổ thông (17.57%); dịch vụ (17.22%); kinh doanh, kinh tế (13.70%); bán hàng (11.06%); ngân hàng (4.87%); thủy, hải sản (4.86%); quản lý, trợ lý (3.49%); công nghệ thông tin (3.85%)…
Biểu đồ 1: 6 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý IV
Trước tình hình kinh tế khó khăn, xu hướng thị trường lao động thành phố Cần Thơ không chỉ có nhu cầu về số lượng mà còn đòi hỏi chất lượng ngày càng tăng. Các doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn trong tuyển dụng nhân lực, chú trọng tuyển dụng nhân lực có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu công việc. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng thấp hơn nhiều so với quý III nhưng yêu cầu về trình độ và kinh nghiệm lại cao hơn. Điều này chứng tỏ rằng càng ngày doanh nghiệp càng chú trọng tuyển dụng nhân lực có chất lượng và năng lực làm việc, nhu cầu tuyển dụng trình độ lao động phổ thông không còn ồ ạt như trước nữa. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự có trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học của quý IV đều tăng cao hơn so với quý III/2012. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng trình độ trên đại học (0.08%), đại học – cao đẳng (22.62%), trung cấp – sơ cấp (24.28%), còn lại là lao động phổ thông. Tập trung vào các ngành nghề như: kinh doanh, kinh tế; ngân hàng; công nghệ thông tin; y, dược; quản lý, trợ lý…
Bảng 1: Cơ cấu tuyển dụng lao động theo trình độ nghề quý IV/2012
STT |
Trình độ |
Chỉ số |
Chỉ số |
1 |
Lao động phổ thông |
57.98 |
53.03 |
2 |
Sơ cấp nghề |
1.68 |
1.88 |
3 |
Trung cấp (CN-TCN) |
20.40 |
22.40 |
4 |
Cao đẳng (CN-CĐN) |
8.59 |
10.28 |
5 |
Đại học |
11.03 |
12.34 |
6 |
Trên đại học |
0.32 |
0.08 |
Tổng số ( 100% = Số người ) |
39,198 |
32,990 |
Bảng 2: Số liệu thống kê phân tích chỉ số cầu nhân lực theo ngành nghề trên địa bàn thành phố Cần Thơ quý IV/2012
STT |
Ngành nghề |
Chỉ số |
Chỉ số |
1 |
Bán hàng |
8.96 |
11.06 |
2 |
Bảo hiểm, bất động sản |
0.96 |
0.77 |
3 |
Bưu chính, viễn thông |
0.70 |
0.05 |
4 |
Chính phủ, phi lợi nhuận |
0.00 |
0.00 |
5 |
Cơ khí, chế tạo |
0.41 |
0.21 |
6 |
Công nghệ thông tin |
2.81 |
3.85 |
7 |
Dầu khí, hóa chất |
0.14 |
0.15 |
8 |
Dịch vụ |
7.19 |
17.22 |
9 |
Điện, điện tử |
1.19 |
1.58 |
10 |
Du lịch, khách sạn |
0.82 |
1.56 |
11 |
Giám đốc, nhân lực cao cấp |
0.18 |
0.24 |
12 |
Giáo dục, đào tạo |
0.79 |
0.38 |
13 |
Giao thông, vận tải |
1.17 |
2.05 |
14 |
Khoa học, môi trường |
0.05 |
0.06 |
15 |
Kiến trúc, xây dựng |
1.06 |
0.94 |
16 |
Kinh doanh, kinh tế |
12.12 |
13.70 |
17 |
Kỹ thuật ứng dụng |
1.09 |
0.58 |
18 |
Luật, pháp lý |
0.18 |
0.99 |
19 |
Mỹ thuật, nghệ thuật |
0.85 |
0.61 |
20 |
Ngân hàng |
3.80 |
4.87 |
21 |
Ngành nghề khác |
3.15 |
0.68 |
22 |
Ngoại ngữ |
0.14 |
0.03 |
23 |
Ngoại thương, thương mại |
2.42 |
0.56 |
24 |
Nhân lực phổ thông |
28.45 |
17.57 |
25 |
Nhân viên kế toán |
2.28 |
1.77 |
26 |
Nhân viên tiếp thị |
5.92 |
1.71 |
27 |
Nông nghiệp, thực phẩm |
1.26 |
1.21 |
28 |
Quản lý, trợ lý |
3.02 |
3.49 |
29 |
Sản xuất |
0.23 |
0.02 |
30 |
Thợ hàn |
0.11 |
0.06 |
31 |
Thủy, hải sản |
0.78 |
4.68 |
32 |
Tư vấn |
2.58 |
2.32 |
33 |
Văn phòng, thư ký |
0.37 |
0.95 |
34 |
Xuất khẩu lao động |
2.33 |
0.45 |
35 |
Xuất nhập khẩu |
0.24 |
0.52 |
36 |
Y, dược |
2.26 |
3.12 |
Tổng số ( 100% = Số người ) |
39,198 |
32,990 |
2.2 Về cung nhân lực:
Trong quý IV/2012 nhu cầu tìm việc giảm 22.86% so với quý III/2012, tình trạng lao động khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm vẫn còn phổ biến. Do yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng cao, đòi hỏi nhân lực có trình độ và nhiều kinh nghiệm hơn nên gây nhiều khó khăn cho người lao động, đặc biệt là những sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng làm việc và những lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, từ đầu năm đến nay nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, sản xuất bị đình trệ, không bán được hàng hóa, nên không ít doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, cắt giảm lao động nên người lao động bị thất nghiệp ngày càng tăng, nhiều người lao động có trình độ và kinh nghiệm vẫn thất nghiệp và tìm kiếm chổ làm phù hợp hơn. Số người lao động thất nghiệp đến Trung tâm đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong quý là 1,679 người, tăng 12.23% so với quý III.
Trong quý IV nhóm ngành nhân lực phổ phông tăng cao, tăng 4.26 lần so với quý III và tăng 3.72 lần so với quý II/2012, nguyên nhân của sự tăng đột biến này là ảnh hưởng của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp lớn nằm trong các cụm khu công nghiệp, khu chế xuất phải ngừng sản xuất, tinh giản nhân lực, cơ cấu lại hệ thống nhân lực của công ty. Trong số những người lao động thất nghiệp đến đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì có hơn 60% là lao động chưa qua đào tạo làm các công việc phổ thông. Một trong những nhóm ngành có nhu cầu tìm việc cao và chênh lệch nhiều so với các quý trước là nhóm ngành dịch vụ, nhóm ngành này tăng 6.05 lần so với quý III và tăng 20.67 lần so với quý II, do đây là thời điểm mùa tết, các doanh nghiệp tăng cường sản xuất kinh doanh, hơn nữa trong quý này diễn ra nhiều sự kiện, ngày lễ lớn trong năm nên nhu cầu cần nhân lực tăng cao. Nắm được nhu cầu này nên số lao động tìm việc ngành dịch vụ tăng lên, đặc biệt là những sinh viên muốn tìm việc kiếm thêm thu nhập, những sinh viên mới tốt nghiệp muốn tìm việc để học hỏi kinh nghiệm, những lao động làm công việc thời vụ muốn thay đổi công việc để có thu nhập cao hơn.
Bảng 3: Cơ cấu cung lao động theo trình độ nghề quý IV/2012
STT |
Trình độ |
Chỉ số |
Chỉ số |
1 |
Lao động phổ thông |
6.09 |
33.30 |
2 |
Sơ cấp nghề |
1.05 |
2.57 |
3 |
Trung cấp (CN-TCN) |
9.47 |
21.31 |
4 |
Cao đẳng (CN-CĐN) |
18.86 |
16.26 |
5 |
Đại học |
64.30 |
26.44 |
6 |
Trên đại học |
0.23 |
0.12 |
Tổng số ( 100% = Số người ) |
10,308 |
8,390 |
Các ngành nghề có nhu cầu tìm việc cao trong quý IV như: nhân viên kinh doanh; bán hàng; dịch vụ; kế toán; quản lý, trợ lý; công nghệ thông tin; điện, điện tử; văn phòng, thư ký; lao động chưa qua đào tạo làm các công việc phổ thông…
Biểu đồ 2: 6 ngành nghề có nhu cầu tìm việc cao trong quý IV/2012
2.3 Đánh giá cung – cầu lao động
Trong quý IV thị trường lao động của thành phố Cần Thơ so với quý III và quý II năm 2012 thì ổn định hơn và chênh lệch về trình độ giữa cung – cầu không nhiều so với hai quý trước. Mặc dù ổn định và không chênh lệch nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn không tuyển đủ lao động và nhiều lao động vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp, tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc của người lao động vẫn tiếp tục diễn ra, làm độ vênh giữa cung – cầu tăng lên. Có thể nhận thấy rằng trong khi nguồn lao động phổ thông biến động và thiếu thường xuyên thì nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp, cao đẳng, đại học trong một số ngành nghề lại chênh lệch về số lượng và chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Trong quý IV, doanh nghiệp đặc biệt chú trọng tuyển dụng nhân sự có trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, nên những người lao động có trình độ nhưng thiếu kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp đặt ra. Cụ thể ở các ngành nghề như kế toán: nhu cầu tuyển dụng trong quý chỉ 1.77% trong khi nhu cầu tìm việc ngành này là 7.94%, nhu cầu tìm việc ngành này có trình độ đại học cao hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn không tuyển đủ lao động. Thị trường lao động tồn tại nhiều bất cập và nghịch lý, rất nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm trong khi đó có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng.
Thực tế hiện nay, những sinh viên mới ra trường chưa có kỹ năng làm việc thì buộc phải làm trái ngành, làm những công việc không đúng với chuyên môn, khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số ngành nghề luôn có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng bị khan hiếm lao động như: y, dược; kinh doanh; thủy, hải sản; ngân hàng; công nghệ thông tin…Do nhu cầu phát triển rộng thị trường và công việc đòi hỏi phải có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, nên dù nhu cầu tuyển dụng những ngành này khá cao nhưng doanh nghiệp vẫn không tuyển đủ nhân lực.
Vào thời điểm mùa Tết nên nhu cầu tuyển dụng nhóm ngành dịch vụ, bán hàng, các công việc thời vụ cần nhân lực phổ thông tăng cao nhưng nhưng nhu cầu tìm việc những ngành này ít, không đủ cung ứng cho doanh nghiệp, tình trạng khan hiếm lao động tiếp tục diễn ra và được dự báo sẽ kéo dài tới quý I/2013.
Biểu đồ 3: So sánh biến động cung-cầu nhân lực theo trình độ trong quý.
II. NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CUNG – CẦU NHÂN LỰC QUÝ I/2013:
Năm 2013 được xem là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015, nhiều chỉ tiêu sau 2 năm thực hiện còn thấp so với mức đề ra cho cả nhiệm kỳ. Nên năm 2013 có ảnh hưởng quan trọng đến việc hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch của 5 năm. Dự báo năm 2013 tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, lạm phát diễn biến phức tạp. Trong quý I/2013, tình trạng thiếu hụt lao động, khan hiếm nguồn nhân lực tăng cao. Đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán, tình trạng thiếu hụt lao động cao làm cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng công việc sản xuất kinh doanh, bộ máy nhân lực không ổn định. Nguyên nhân là do công nhân về quê chưa kịp lên làm việc, một số khác chuyển dịch về các tỉnh làm việc, một số lao động có tay nghề cao cũng từ chối trở lại làm việc nếu tìm được nơi khác phù hợp hơn, có chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Dự kiến nhu cầu tuyển dụng nhân lực của doanh nghiệp trong quý I/2013 sẽ tăng cao và tuyển dụng ồ ạt vào thời điểm sau Tết để ổn định nguồn nhân lực và bắt đầu sản xuất kinh doanh đầu năm. Nhu cầu tuyển dụng của Quý khoảng 42,000 lao động, tập trung nhiều ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong địa bàn thành phố nhưng vẫn chú trọng tuyển dụng lao động có kinh nghiệm và kỹ năng làm việc. Cụ thể trình độ trên đại học chiếm khoảng 0.15%, đại học – cao đẳng là 25.50%, trung cấp – sơ cấp là 22.4%, lao động phổ thông là 51.95%. tuyển dụng tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như: sản xuất; kinh doanh, kinh tế; lao động chưa qua đào tạo làm các công việc phổ thông; bán hàng; công nghệ thông tin; điện, điện tử; y, dược…
Về nguồn cung lao động trong quý sẽ tăng cao, hiện tượng dịch chuyển lao động, thay đổi chỗ làm, tìm kiếm công việc mới phù hợp hơn diễn ra mạnh. Nhu cầu tìm việc chủ yếu ở các ngành nghề như: kinh doanh, kinh tế; lao động chưa qua đào tạo làm các công việc phổ thông; bán hàng; kế toán; điện, điện tử; văn phòng, thư ký….
Để khắc phục tình trạng trên, các doanh nghiệp nên triển khai kế hoạch thu hút lao động, chú trọng xây dựng kế hoạch nhân lực trung và dài hạn về cơ cấu ngành nghề, quy mô và chất lượng, các chính sách về đào tạo nâng cao tay nghề, chế độ tiền lương, phúc lợi và khen thưởng để thu hút nhân lực. Đồng thời xin kiến nghị Lãnh đạo thành phố, các cơ quan chức năng tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện có hiệu quả kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, bình ổn giá sau tết. Đặc biệt là thực hiện tốt các chính sách về phúc lợi, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của công nhân lao động và các chính sách hỗ trợ thị trường lao động. Các trường dạy nghề cần tăng cường hoạt động đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn kết được nghề nghiệp – việc làm, góp phần ổn định thị trường lao động thành phố Cần Thơ.
Nơi nhận - Cục Việc làm; - Lãnh đạo Sở LĐ-TB và XH; - Các phòng, đơn vị thuộc Sở: VP Sở, Phòng LĐ-VL, Phòng QLDN; - Các trường đào tạo nghề trên địa bàn TP.Cần Thơ; - Lãnh đạo Trung tâm; - Lưu:VT. |
GIÁM ĐỐC Đã ký
|