LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG NGÀNH LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THÀNH PHỐ CẦN THƠ
LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG
NGÀNH LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TP. CẦN THƠ
Ngày 28 tháng 8 năm 1945, trong khí thế thắng lợi hào hùng của Cách mạng tháng Tám, ngay sau khi nhân dân ta giành được chính quyền, lật đổ ách thống trị của thực dân xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên cáo với quốc dân đồng bào và thế giới việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội là tiền thân của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ngày nay.
Trãi qua các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước, trãi qua đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội, với nhiều lần đổi tên, đã chuyển đổi hình thức tổ chức, mở rộng chức năng, nhiệm vụ:
- Trong giai đoạn 1945-1954, công tác Lao động-Thương binh và Xã hội được giao cho 4 Bộ đảm nhiệm là Bộ Lao động, Bộ Cứu tế xã hội, Bộ Xã hội và Bộ Thương binh cựu binh;
- Trong giai đoạn 1955-1964, công tác Lao động-Thương binh và Xã hội được giao cho 4 Bộ đảm nhiệm là Bộ Lao động, Bộ Thương binh cựu binh, Bộ Nội vụ và Bộ Cứu tế;
- Trong giai đoạn 1965-1975, công tác Lao động-Thương binh và Xã hội được giao cho 2 Bộ và 1 cơ quan đảm nhiệm là Bộ Lao động, Bộ Nội vụ và Ủy ban điều tra tội ác của đế quốc Mỹ tại Việt Nam;
- Trong giai đoạn 1976-1986, công tác Lao động-Thương binh và Xã hội được giao cho 2 Bộ và 1 cơ quan đảm nhiệm là Bộ Lao động, Bộ Thương binh và xã hội và Ủy ban điều tra tội ác của đế quốc Mỹ tại Việt Nam.
Đến ngày 16/02/1987, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội được hình thành trên cơ sở hợp nhất các Bộ đã nêu; Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội được chính thức hình thành và được Đảng, Nhà nước đánh giá là đã liên tục phát triển, đã kế thừa xuất sắc truyền thống quý báu của các Bộ-Ngành tiền thân trước đây.
Ở Cần Thơ, sự hình thành và phát triển của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội vừa hòa nhịp với sự hình thành, phát triển của Ngành trên phạm vi toàn quốc, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và Nhà nước, song cũng có những nét riêng xuất phát từ đặc điểm của một địa phương ở Nam Bộ, phải tiến hành liên tục 2 cuộc kháng chiến suốt từ cuối năm 1945 đến ngày 30/4/1975, trước hết là về công tác quản lý lao động chỉ được thực hiện trong những phạm vi và mức độ nhất định, với trọng tâm là huy động nhân lực để phục vụ chiến đấu và các nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột xuất.
Trong kháng chiến chống Pháp, cuối năm 1947, theo Quyết định của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Ty Thương binh xã hội Cần Thơ được thành lập với chỉ có 7 cán bộ đảm nhiệm để thực hiện chính sách đối với khoảng 150 thương binh, 170 liệt sĩ và quản lý 16 nghĩa trang liệt sĩ lớn, nhỏ với qui mô mộ bằng đất, hàng rào bằng tre nứa. Chính sách thương binh, liệt sĩ lúc này là trợ cấp bằng lúa (từ 1,5 giạ đến 3 giạ) hàng tháng cho thương binh (được phân chia thành 4 hạng theo mức độ thương tật) và trợ cấp từ 10 đến 18 giạ lúa/năm đối với gia đình liệt sĩ neo đơn, khó khăn. Ngoài ra, các hộ thương binh, gia đình liệt sĩ không có đất hoặc khó khăn về đời sống đều được Ủy ban kháng chiến hành chính tạm giao đất, vườn vắng chủ để quản lý và thu hoạch, góp phần ổn định cuộc sống. Đến năm 1950, Ty Thương binh và xã hội đổi tên thành Ty Thương binh cựu binh. Lúc này, cuộc kháng chiến đã lan rộng và càng lúc càng ác liệt, nhưng Cần Thơ đã tổ chức thực hiện chính sách người có công khá chu đáo và kịp thời, như đã trợ cấp thêm quần áo, khăn tắm cho thương binh, ... đồng thời tổ chức long trọng ngày Thương binh liệt sĩ với nhiều hiệu quả thiết thực (như ngày TBLS năm 1952 tổ chức ở Trường Long-Ô Môn, ngày TBLS năm 1953 tổ chức ở bờ kênh Ông Dèo, ...). Đến giữa năm 1954, ở Cần Thơ đã có hơn 600 thương binh và hơn 500 gia đình liệt sĩ. Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, Ủy ban khánh chiến hành chính Tỉnh, Ty Thương binh cựu binh Cần Thơ đã tập hợp 185 thương bệnh binh và 05 mẹ liệt sĩ để đưa đi tập kết tại vàm sông Cần Thơ (nay là cồn Ấu), số còn lại tiếp tục bám trụ thực hiện nhiệm vụ cách mạng phân công.
Trong kháng chiến chống Mỹ, trong điều kiện rất ác liệt và khó khăn, gian khổ, Ty Thương binh cựu binh (từ ngày 01/01/1970 đổi tên thành Ty Thương binh liệt sĩ) với số lượng cán bộ ít ỏi (05 người), đã phân công mỗi đồng chí phụ trách từng khu vực, từng bộ phận, với nhiệm vụ cụ thể, đã cố gắng tập trung thực hiện chính sách trợ giúp đối với những người và gia đình có công với cách mạng, chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, giúp thương binh nặng tạo lập gia đình hạnh phúc, ...
Qua 2 cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm gian khổ, ác liệt, rất nhiều đồng chí, đồng bào bị hy sinh, thương tật, mất tích, tù đày trong điều kiện lịch sử phức tạp, làm cho công tác xác nhận và giải quyết chính sách thương binh, liệt sĩ gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện có nhiều vấn đề và chưa chặt chẽ. Nhưng, nhìn chung, công tác này trong kháng chiến ở Cần Thơ đã được thực hiện khá tốt, tạo uy tín tốt trong khu vực và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Sau ngày thống nhất miền Nam, thống nhất đất nước, cán bộ, nhân viên của Ngành đã bắt tay ngay vào việc giải quyết, khắc phục hậu quả chiến tranh ác liệt với nội dung là vừa lo việc làm và đời sống của người lao động, vừa giải quyết chính sách thương binh liệt sĩ, vừa đảm bảo cứu tế, cứu trợ xã hội trong điều kiện nội dung nào, hoạt động nào cũng cấp bách, quan trọng. Ở thời điểm này, nhiệm vụ công tác Lao động-Thương binh và Xã hội do 2 cơ quan đảm trách là Ty Lao động và Ty Thương binh xã hội.
Ty Lao động Cần Thơ được tiếp quản cơ sở vật chất từ Ty Lao động của ngụy quyền thuộc tỉnh Phong Dinh. Được sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Lao động, tổ chức bộ máy của Ty Lao động Cần Thơ được chia thành phòng Hành chính-Tổ chức, phòng Điều phối, phòng Tiền Lương và Ban Thanh tra, với số lượng ban đầu chỉ có 06 cán bộ.
Ty Thương binh liệt sĩ được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Ban Thương binh và Xã hội tỉnh và đổi tên thành Ty Thương binh và xã hội Hậu Giang, với nhiệm vụ chủ yếu là vừa thực hiện công tác xác nhận và giải quyết chính sách ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công giúp đỡ cách mạng, vừa giải quyết dứt điểm các tồn tại và vấn đề phát sinh do chế độ cũ để lại ở Cần Thơ như hàng trăm tên lưu manh, côn đồ và hơn 2.000 gái mãi dâm bằng giáo dục, cảm hóa là chủ yếu.
Đến ngày 25/12/1987, Ty Lao động và Ty Thương binh tỉnh Hậu Giang được hợp nhất thành Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang. Từ đó đến nay, mô hình tổ chức này được tiếp tục giữ vững, nhưng có thay đổi tên gọi về đơn vị hành chính cho phù hợp với các lần thay đổi địa giới hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội như từ năm 1992 đến năm 2003, là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cần Thơ; từ ngày 01/01/2004 đến nay, là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ. Trong quá trình chia tách, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã điều động 30 cán bộ lãnh đạo, công chức có trình độ chuyên môn cao (18 đồng chí điều về tỉnh Sóc Trăng năm 1992 và 12 đồng chí về tỉnh Hậu Giang năm 2004) để làm nòng cốt hình thành Ngành ở các tỉnh mới này.
Về chức năng, nhiệm vụ, cũng đã có nhiều thay đổi như năm 1995, Sở tách để thành lập cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, chuyển giao lĩnh vực điều động lao động, dân cư và chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sang Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hình thành thêm phòng Bảo trợ xã hội; năm 1999, Sở thành lập thêm phòng Quản lý dạy nghề và tiếp nhận trường Công nhân kỹ thuật Cần Thơ từ Sở Giáo dục và đào tạo, đến tháng 5/2007, trường này được nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề Cần Thơ trực thuộc UBND thành phố. Trong 3 năm gần đây, Sở tiếp nhận thêm Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng lao động thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tiếp nhận mảng công tác trẻ em từ Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em chuyển sang, tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
Hiện nay, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ được hình thành theo các cấp quản lý bao gồm:
- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn cấp thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực về lao động, việc làm, người có công và bảo trợ xã hội. Hiện Sở có 08 phòng chuyên môn thuộc Sở, gồm có 01 đơn vị quản lý Nhà nước và 07 đơn vị sự nghiệp với 310 công chức, viên chức (44 biên chế hành chính và 266 biên chế sự nghiệp).
- 09 Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tại 05 quận và 04 huyện với nhân sự của mỗi Phòng từ 5-7 công chức. Ngoài ra, có 5 Trung tâm dạy nghề cấp quận, huyện với 63 công chức, viên chức.
- Đối với phường, xã, thị trấn, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của Ngành, theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ, đang hình thành đội ngũ công chức chuyên trách Lao động-Thương binh và Xã hội bên cạnh các cán bộ bán chuyên trách sẵn có.
Trong các năm qua, cơ sở vật chất và năng lực hoạt động của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ đã được tăng cường với nhiều dự án đầu tư đã được triển khai thực hiện, như công trình xây dựng cơ quan Sở mới ở số 298, đường 30 tháng 4 các công trình xây dựng khác đối với một số đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đang được thực hiện ráo riết để có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng trong 2-3 năm tới.
Tự hào, vinh dự đứng trong hàng ngũ những ngành đầu tiên được thành lập của chính quyền nhân dân ở Việt Nam, những ngành đã đồng hành và đóng góp nhiều công lao trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động-Thương binh và Xã hội Cần Thơ càng tự hào và vinh dự hơn vì đã phấn đấu vượt qua muôn vàn khó khăn để tô đậm thêm những nét son rạng rỡ trong lịch sử vẽ vang của Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam.
Những nét son đó là sự tận tụy với công việc, hết lòng phục vụ lợi ích của nhân dân, phục vụ hết mình vì lợi ích của đối tượng chính sách, của người lao động và những người yếu thế trong xã hội; là sự đoàn kết, gắn bó từ trong nội bộ Ngành đến mở rộng quan hệ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ngành, các cấp, các tổ chức; sự kiên trì tranh thủ lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền, cố gắng tìm biện pháp khắc phục, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; linh hoạt, sáng tạo, năng động thể hiện trong công việc của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức của Ngành, từ người đứng đầu Ngành đến nhân viên thừa hành ở cơ sở.
Những nét son rạng rỡ đó, trong các năm qua đã được đội ngũ những người làm công tác Lao động-Thương binh và Xã hội Cần Thơ thể hiện đậm nét ở những kết quả hoạt động đáng kể về giải quyết việc làm, giữ cho tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức dưới 5%; nâng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề; hoàn thành cơ bản việc xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công theo phương thức Nhà nước và xã hội cùng chung tay thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm bình quân trên 1%, giảm tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức của cả nước và khu vực; xây dựng đại đa số các xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; kiện toàn tổ chức và tập huấn nghiệp vụ cho nhân sự của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp; xây dựng mới được hầu hết các xã, phường lành mạnh; tổ chức cải cách hành chính đạt tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2000; rà soát kiến nghị đơn giãn hóa vượt chỉ tiêu 30%; xây dựng và triển khai thực hiện quy chế tổ chức hoạt động, quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, kế hoạch phòng chống tham nhũng thực hành tiết kiệm chống lãng phí, quy chế xét thi đua khen thưởng và kỷ luật, quy tắc ứng xử đối với công chức, viên chức.
Những cố gắng, phấn đấu của đội ngũ những người làm công tác Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ trong các năm qua đã được Đảng, Nhà nước công nhận, đánh giá và trao tặng những phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất, Huận chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen và Cờ Thi đua của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nhiều Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, nhiều Bằng khen và kỷ niệm chương của các Bộ, Ngành, đoàn thể tặng cho Sở, các cơ quan, đơn vị và các công chức, viên chức thuộc Sở.
Khi thành phố Cần Thơ đã trở thành đô thị loại I trực thuộc TƯ, mở ra một thời kỳ mới để thành phố phát triển nhanh hơn theo hướng một đô thị văn minh, hiện đại, là trung tâm về nhiều mặt của đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng mở ra một giai đoạn mới mà mỗi người trong Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tự giác làm việc nhiều hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, để không chỉ vì ngành mình, địa phương mình mà còn vì mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn thành phố và cả khu vực. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trong thời gian tới là rất lớn, là phải đảm bảo an sinh xã hội, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế và giữ vững an ninh, quốc phòng, trong đó trọng tâm là thực hiện tốt đề án dạy nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách xã hội, thực hiện các biện pháp hỗ trợ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, trợ giúp người có công có mức sống từ ngang bằng mức sống trung bình của xã hội trở lên, tập trung giảm nhanh hộ nghèo, trợ giúp kịp thời cho các đối tượng bảo trợ xã hội, thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội.
Cơ hội của ngành chúng ta trong thời gian tới là rất lớn từ sự sát hợp và ngày càng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, ủng hộ của các chủ trương, chính sách, giải pháp về Lao động-Thương binh và Xã hội của Đảng và Nhà nước; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ngày càng sâu sát, cụ thể, thường xuyên và đầu tư ngày càng nhiều của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố; sự phối hợp tạo điều kiện thuận lợi của các ngành, các cấp ở trong và ngoài thành phố. Tuy nhiên, thách thức, khó khăn đặt ra đối với Ngành chúng ta trong thời gian tới cũng không ít.Đó là sự yếu kém về năng lực chưa được kịp thời khắc phục, nâng cao trước yêu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của công tác Ngành trong thực tế, là sự thiếu hụt về nhân lực, kinh phí hoạt động thường xuyên, sự chậm trễ trong việc thực hiện các đề án, dự án của Ngành xuất phát từ cơ chế, chính sách, nguồn vốn và lề lối làm việc lạc hậu của nơi khác.
Với lịch sử vẻ vang của Ngành các năm qua và quá trình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương giao cho, mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị của Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ phát huy tốt cơ hội, vượt qua mọi thách thức, khó khăn, tiếp tục làm tròn chức trách của những người làm việc nghĩa, việc phúc, việc thiện, góp phần xoa dịu những mất mát, đau thương do chiến tranh để lại cho những người có công, chăm sóc, cưu mang, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến nhân dân và các đối tượng chính sách xã hội thành phố, xin cảm ơn các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng phục vụ của Ngành các năm qua, đã quan tâm đóng góp nhiều mặt, đóng góp nhiều ý kiến với sự bao dung, giúp đỡ, tạo điều kiện để Ngành liên tục nâng cao kết quả và chất lượng phục vụ./.