HỎI ĐÁP QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Câu hỏi 1: Trung tâm cho tôi hỏi! người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu được giải quyết hưởng thì thời gian hưởng được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp theo khung thời gian đóng mà pháp luật quy định. Vậy nếu có số tháng lẻ không nằm trong khung pháp luật quy định và chưa hưởng sẽ được bảo lưu có đúng không? Tôi tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 50 tháng, nếu được hưởng tôi sẽ được hưởng bao nhiêu tháng và có số tháng lẻ được bảo lưu là mấy tháng?
Trả lời: Câu hỏi của bạn Trung tâm xin trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH quy định về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp:
1. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được xác định như sau:
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu = Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp - Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp
2. Các trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu, bao gồm:
a) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
b) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
c) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
d) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
3. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được bảo lưu theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 18 và Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP là khoảng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tính từ tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cuối cùng trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp.
4. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định có trách nhiệm thực hiện thủ tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Như vậy, nếu người lao động được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp và có số tháng lẻ chưa giải quyết sẽ được bảo lưu theo quy định pháp luật tại điểm c) nêu trên “Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP”.
Trường hợp bạn có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 50 tháng, bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 04 tháng và có 02 tháng lẻ sẽ được bảo lưu, những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Câu hỏi 2: Tôi tên Lâm Thị N, giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 36 tháng với Công ty TNHH K và tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 30 tháng. Tuy nhiên, từ tháng 11/2021 đến tháng 04/2022 tôi nghỉ chế độ thai sản và không đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Sau đó, do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi không thể tiếp tục đi làm nên đã làm đơn xin nghỉ việc và Công ty đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động cho tôi kể từ ngày 10/05/2022. Như vậy, Trung tâm cho tôi hỏi mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của tôi được tính như thế nào?
Trả lời: Xin chào chị Lâm Thị N ! Câu hỏi của Chị Trung tâm xin trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm thì:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Do Chị có thời gian nghỉ thai sản trước khi nghỉ việc nên 6 tháng liền kề để tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp quy định:
Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:
a) Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;
b) Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.
Như vậy, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của Chị sẽ được tính căn cứ vào bình quân tiền lương của 06 tháng liền kề trước khi Chị nghỉ việc mà có đóng bảo hiểm thất nghiệp, tức là bình quân tiền lương của 06 tháng (tính từ tháng 9/2020 đến tháng 02/2021) trước khi Chị nghỉ thai sản.